Dặm xanh

Khi có một ai đó hỏi tôi rằng đâu là bộ phim khiến ai khi xem xong cũng phải rơi nước mắt. Chắc chắn câu trả lời ấy chỉ có thể là The Green Mile. Tại sao ư? Hãy bỏ ra 3 tiếng để xem nó và bạn sẽ thấy lời nhận xét của tôi vẫn chưa đủ để nói lên những xúc cảm bậc nhất phim mang tới. Từ vui buồn, tức giận đến day dứt, đau khổ, tất cả đều gói gọn trong một nơi mà khoảng cách giữa thiên đường – địa ngục trở nên thật mơ hồ khó tả. Và Green Mile chính xác là một nơi như vậy.

Bạn đang xem: Dặm xanh

Mặc dù mang trong mình hai chữ Dặm Xanh nhưng khác với những đồng cỏ xanh trải dài bất tận hay các cánh rừng bạt ngàn, dặm xanh của phim lại cực kì đặc biệt khi đây vốn dĩ là hành lang, là con đường đi cuối cùng dành cho tử tù trước lúc họ bị xét xử trên ghế điện. Ở những nhà tù khác hành lang này thường được gọi là Con Đường Cuối Cùng nhưng ở khu nhà giam của vị quản giáo Paul Edgecomb con đường ấy lại được gọi với cái tên lạ thường y như những điều kì diệu ở nơi đây vậy.

*

Nội dung

Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên do nhà văn Stephen King sáng tác, The Green Mile xoay quanh cuộc đời Quản giáo Paul Edgecomb kể từ lúc anh gặp một tử tù tên là John Coffey có khả năng cứu sống mọi sinh vật. Hai con người chẳng hề quen biết nhau bỗng chốc nhận ra định mệnh đã gắn kết họ trở thành một người bạn của nhau để cùng thay đổi hi vọng nơi ngục tù tăm tối. Giống như phép màu của mình, John khác biệt so với phần còn lại không thông minh cũng chẳng nhiều lời, luôn rụt rè và xuất hiện trong đôi mắt ướt đẫm, Paul cũng vậy anh khác các quản giáo bình thường, Paul điềm tĩnh biết lắng nghe và rất công bằng, anh nhận ra công việc của mình không phải là la hét đánh đập mà là lắng nghe, chia sẻ với tù nhân. Bởi vậy Khu E mà Paul làm việc khá thân thiện, nhẹ nhàng thậm chí căn phòng biệt giam chuyên dùng nhốt tử tù còn dùng làm kho chứa đồ chỉ thi thoảng mới có vài trường hợp ngoan cố bị nhốt. Cách hành xử của quản ngục Paul Edgecomb gợi lên một bài học về quản trị con người rằng đòn doi bạo lực chẳng thể nào có tác dụng bằng lời nói khéo léo, ân cần.

*

Tình bạn giữa quản giáo và tử tù liệu có thật?

Trở lại với tình bạn của hai nhân vật này, thoạt nhiên có thể là vô lý bởi họ thuộc hai giai cấp khác nhau, địa vị khác nhau nhưng nếu đặt chúng vào bối cảnh nhà tù đầy rẫy sự hối hận ẩn sau từng xà lim thì cuối cùng ta lại chợt nhận ra tình bạn đẹp, dù có ở đâu đi chăng nữa vẫn sẽ hiện hữu vì chỉ đơn giản là sẵn sàng cho đi bất cứ thứ gì mà không cần nhận lại cũng đủ để điều đó thành sự thực. Thế nhưng giữa Paul và John ai là người cho đi nhiều nhất? Ắt hẳn phải là John do anh chịu quá nhiều đau đớn từ việc bị ép cho tội hiếp dâm, sát hại hai bé gái đến cam chịu những khinh thường của người da trắng chà đạp lên.

*

Và dù vậy John vẫn chữa bệnh cho chính Paul và người quen của quản giáo, khiến Percy đáng ghét hoá điên để rồi tự kết liễu cuộc đời của hắn cùng tên tử tù xấu xa Bill. John làm tất cả với năng lực của mình cộng với một tấm lòng nhân hậu trong sáng và sau cùng cũng từ đó anh minh oan được cho chính bản thân mà chẳng cần đến ai cả, để lại nỗi day dứt cảm thông trong Paul dằn vặt người quản giáo đến tận sau này. Chắc sẽ có nhiều người đồng tình với tôi là phần phép màu Paul nhận được không hề kì diệu như anh tưởng, gần như đó là một sự trừng phạt ghim mãi làm Paul phải gặm nhấm nỗi cô đơn, đau khổ lần lượt nhìn bao người thân khác ra đi ngay trước mắt bởi anh đã làm mất đi phép màu mà Thượng Đế ban cho trần gian.

Xem thêm:

*

Bên cạnh tình bạn giữa người với người đầy phép màu ấy, Green Mile cũng ẩn chứa nhiều tình bạn đơn giản hơn rất nhiều như chú chuột Mr.Jingles và người tù nhỏ bé Del bị kết tội giết người nhưng những ngày tháng cuối cùng ông lại quay trở về lương tri của mình. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy dù có là ai đi nữa thì sâu thẳm nơi tâm can sự thánh thiện vẫn luôn tồn tại. Từ khi gặp chú chuột nhỏ cùng với nhiều vị quản giáo giống Paul, Del không cảm thấy cô đơn nữa và ngay trước lúc bước qua hành lang Xanh ông còn ước một điều mà mỗi lần nghe ta lại càng thêm đau lòng ” Ước rằng tôi gặp mọi người sớm hơn”.

Phép màu không ở đâu xa…

Del ước điều ước mà ngay cả John với phép màu kì diệu cũng hằng mong muốn. Vậy nên, cho dù là tử tù thì ở Green Mile họ vẫn là người, vẫn là những sinh vật với ước muốn nhỏ nhoi mà thế giới u tối ngoài kia không có. Hình tượng Mr.Jingles nhỏ nhắn như chiếc gương phản chiếu của nhà tù giúp các phạm nhân ở đây sống thật một lần với lòng mình. Qua chú chuột nhỏ ta không thấy hình bóng gã sát nhân đâu nữa mà chỉ còn là Del đáng thương dành trọn ngày cuối cùng bên cạnh con vật ông thuần hóa hay qua nó hình ảnh Percy cũng hiện lên thật đê tiện thấp hèn dám sát hại những kẻ yếu thế hơn mình. Nếu ta coi John Coffey là thiên thần thì Percy ngược lại, hắn ta là ác quỷ đội lốt trong cái vỏ bọc quyền quý, hách dịch. Nhưng dù sao John và Paul vẫn ở đấy và phép màu sẽ luôn thắp sáng một cách mạnh mẽ thì làm sao những kẻ như Percy có thể đem điều xấu đến Green Mile được. Con đường xanh ở Cold Mountain đẹp theo một cách riêng của nó và như Paul đã nói khi về già “Ai trong chúng ta cũng có cho riêng mình một Green Mile, nhiều người còn mong nó tới sớm hơn”. Dặm Xanh không phải là kết thúc, nó là sự giải thoát và trong những tử tù ta thấy, mỗi người đều chọn cách sống riêng những ngày cuối đời, dù im lặng hay hoà đồng chung quy lại khi đã cận kề cái chết người ta chỉ còn biết hối tiếc mà coi Green Mile như một bước tiếp theo cho số mệnh.

*

Ngay từ khi John Coffey bước vào nhìn Paul cái kết đã được định đoạt sẵn, phép màu của thiên thần không và chắc chắn là sẽ chẳng bao giờ có tác dụng vì thực chất chính tâm khảm anh đã coi cái chết là cách duy nhất giải thoát, sự kì diệu Thượng Đế ban tặng khiến những gì John cảm nhận trông thấy ở thế giới này chỉ còn bóng tối bao trùm. Và trước khi xét xử anh khóc, chúng ta khóc, Paul khóc, tội lỗi anh gây ra không biết nó có phải là thật không nhưng có trách thì cũng chẳng còn tác dụng bởi phép màu đã quay về thiên đường.

*

Giải thưởng

Thành tựu và diễn xuất: 4 giải Oscar cùng dàn diễn viên gạo cội bao gồm Tom Hanks, Michael Clarke Duncan,David Morse,… là quá mức đủ để biến phim trở thành một huyền thoại. Bác Hanks thì vẫn như vậy, nhân vật và bác hoà vào làm một, hình ảnh người quản giáo nghiêm nghị nhưng có lòng trắc ẩn vô bờ bến sẽ không bao giờ phai nhạt trong kí ức của những người yêu điện ảnh. Nhưng điểm sáng của toàn bộ The Green Mile lại không phải là tài tử Tom Hanks mà là diễn viên Duncan (John Coffey), khoảng thời gian khi làm phim, nam diễn viên không được biết đến nhiều và chỉ thường xuyên đóng vai phụ mờ nhạt và ngay từ lúc đầu nhiều người còn nghi ngại khả năng của Duncan nhưng sau cùng ta có được gì. Một vai diễn để đời, một nhân vật lay động và lấy đi bao nước mắt khán giả. Không ngoa khi nói sẽ chỉ có thể là Duncan vào vai John chứ nếu là một ai khác The Green Mile đã chẳng thể thành công như vậy.